star twitter facebook envelope linkedin youtube alert-red alert home left-quote chevron hamburger minus plus search triangle x

Tìm hiểu sự khác nhau giữa công nghệ Cruise Control và Adaptive Cruise Control


Tìm hiểu sự khác nhau giữa công nghệ Cruise Control và Adaptive Cruise Control

 

Trên các mẫu xe hiện đại, Cruise Control System (CCS) và Adaptive Cruise Control (ACC) là hai hệ thống hỗ trợ lái đã không còn quá xa lạ với người sử dụng. Phổ biến là vậy, nhưng không phải ai cũng biết đây là hai hệ thống không hoàn toàn giống nhau. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Cruise Control là gì thế?

1.1 Định nghĩa

Cruise Control System (CCS) là hệ thống trên ô tô giúp xe tự động duy trì tốc độ mà người lái cài đặt sẵn, nhờ hệ thống này, người điều khiển xe không cần đạp chân ga mà xe vẫn có thể di chuyển đúng tốc độ mong muốn.

1.2 Các bộ phận chính

Cruise Control gồm 3 bộ phận chính

  • Cảm biến tốc độ xe
  • Bộ điều khiển
  • Cơ cấu chấp hành

1.3 Nguyên lý hoạt động

Khi người điều khiển xe bật hệ thống Cruise Control, cảm biến tốc độ của xe sẽ truyền tín hiệu về bộ điều khiển. Sau đó bộ điều khiển sẽ truyền lệnh đến van chân không và van này sẽ kết nối trực tiếp với bướm ga. Van chân không sẽ điều khiển độ mở bướm ga phù hợp. Nhờ đó, xe sẽ tự động di chuyển theo tốc độ được cài đặt sẵn và người lái xe có thể bỏ chân ra khỏi bàn đạp ga.

Hệ thống Cruise Control
 

Hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control rất hữu ích cho những chuyến lái xe đường dài, nơi đường xá đẹp và có thể di chuyển với tốc độ cao. Người lái có thể cài đặt hệ thống điều khiển hành trình của xe gần với tốc độ giới hạn của đường, chỉ cần thả lỏng chân ga và phanh, xe sẽ duy trì tốc độ được cài đặt trên hệ thống Cruise Control bằng cách sử dụng các dữ liệu cài đặt sẵn mà người dùng được cung cấp cho xe ô tô.

Tác dụng của hệ thống điều khiển hành trình Cruise Control là hỗ trợ người lái thư giãn, giảm sự mệt mỏi khi lái xe đường dài. Tiếp đến là tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả vì ECU sẽ tự động tính lượng xăng phù hợp nhất. Và cuối cùng là giúp người lái kiểm soát được tốc độ xe, hạn chế vi phạm quy định giới hạn tốc độ.

2. Còn Adaptive Cruise Control là gì?

2.1 Khái niệm

Adaptive Cruise Control (ACC) là một hệ thống giúp xe tự động điều chỉnh tốc độ để duy trì khoảng cách an toàn với các phương tiện phía trước.

2.2 Các bộ phận chính

Adaptive Cruise Control gồm 3 bộ phận chính:

  • Cảm biến khoảng cách (radar hoặc camera ô tô)
  • Cảm biến tốc độ
  • Bộ điều khiển trung tâm (CCM)

2.3 Nguyên lý hoạt động

Khi người điều khiển xe bật Adaptive Cruise Control, hệ thống cảm biến tốc độ bánh xe tiến hành cảm biến khoảng cách, sau đó sẽ truyền tín hiệu về bộ điều khiển trung tâm. Từ đây, bộ điều khiển trung tâm sẽ tính toán một lực kéo thích hợp để can thiệp vào các hệ thống.

Hệ thống điều khiển động cơ sẽ được tích hợp sẵn chức năng kiểm soát điện tử. Chức năng này cho phép xe giảm tốc hoặc tăng tốc bằng cách tự động đóng mở bướm ga. Nếu tốc độ giảm bằng việc điều khiển bướm ga chưa đủ an toàn, bộ điều khiển sẽ kích hoạt thêm hệ thống phanh. Các hệ thống như phanh ABS, ESP, TCS… đều hoạt động bình thường khi có sự kiểm soát của Adaptive Cruise Control.

Hệ thống Adaptive Cruise Control
 

Hệ thống kiểm soát hành trình Adaptive Cruise Control hoạt động một cách độc lập nhưng lại kết nối với nhiều hệ thống khác như hệ thống điều khiển động cơ, cân bằng điện tử… Đây là một tính năng cao cấp nên trước đây chỉ được trang bị cho những dòng xe ở phân khúc sang, tuy nhiên hiện nay ở phân khúc phổ thông đã có nhiều dòng xe được trang bị tính năng này.

3. Sự khác biệt chính giữa Cruise Control và Adaptive Cruise Control

Hệ thống Adaptive Cruise Control và Cruise Control đều có nhiệm vụ chính là hỗ trợ người điều khiển xe duy trì được tốc độ của xe ô tô, giữ khoảng cách thích hợp với các xe đang di chuyển phía trước, giúp người điều khiển lái xe một cách đơn giản và an toàn hơn, giảm thiểu những trường hợp va chạm ở khoảng cách gần..

Hai hệ thống này có chức năng tương đối giống nhau, nhưng lại có cách thức hoạt động khác nhau. Cruise Control chỉ cho phép xe chạy ở một tốc độ nhất định. Nếu xe phía trước giảm tốc độ đột ngột, người lái phải can thiệp xử lý. Nhưng đối với Adaptive Cruise Control, hệ thống có thể theo dõi tốc độ của xe phía trước và tự động điều chỉnh tốc độ phù hợp để duy trì khoảng cách an toàn.

4. Cách sử dụng hai hệ thống

4.1. Cách sử dụng Cruise Control

Tùy theo thiết kế của nhà sản xuất, vị trí nút điều khiển hệ thống Cruise Control trên mỗi dòng xe sẽ khác nhau. Nút điều khiển Cruise Control thường được bố trí trên vô lăng hay cần gạt phía sau vô lăng hoặc trên bảng taplo. Cách sử dụng hệ thống Cruise Control được thực hiện cụ thể như sau:

  • Kích hoạt hệ thống:

Bật Cruise Control: Nhấn nút ON hoặc nút Cruise Control để kích hoạt hệ thống Cruise Control. Khi hệ thống này được kích hoạt thành công, đèn báo Cruise Control trên bảng đồng hồ sau vô lăng sẽ bật sáng.

  • Cài đặt tốc độ
Sử dụng hệ thống Cruise Control như thế nào là đúng cách?
 

Thiết lập tốc độ: Sau khi hệ thống Cruise Control được bật lên, người điều khiển xe tiến hành cài đặt tăng/giảm ga với tốc độ duy trì mong muốn bằng nút SET+/SET-, mỗi bước tăng giảm thường là 5 km/h, sau đó nhấn SET để lưu lại phần cài đặt. Lúc này hệ thống sẽ ghi nhớ và luôn duy trì xe ở tốc độ này, người lái có thể bỏ chân ra khỏi bàn đạp ga.

  • Tạm dừng/tắt Cruise Control

Có nhiều cách tạm dừng Cruise Control như: Đạp phanh, đạp chân côn hoặc nhấn nút Cancel trên bảng điều khiển hệ thống. Để kích hoạt lại sau khi tạm dừng, người điều khiển xe chỉ cần nhấn chọn nút RES, hệ thống sẽ tự động được kích hoạt theo như chế độ đã được thiết lập.

Cách tắt hệ thống Cruise Control vô cùng đơn giản, chủ phương tiện chỉ cần nhấn nút OFF trên bảng điều khiển của hệ thống, chương trình tốc độ đã chọn trước đó và đèn báo hiệu chế độ điều khiển hệ thống Cruise Control sẽ tự động tắt.

4.2. Cách sử dụng Adaptive Cruise Control

Cách sử dụng hệ thống Adaptive Cruise Control tương tự như cách sử dụng hệ thống Cruise Control. Điểm khác biệt là hệ thống Adaptive Cruise Control có thêm phần cài đặt khoảng cách. Cụ thể, người điều khiển xe có thể cài đặt khoảng cách tối thiểu với phương tiện di chuyển phía trước.

Hệ thống ACC cho phép đặt khoảng cách sau xe của người dùng với xe phía trước. Hệ thống Adaptive Cruise Control cung cấp các tùy chọn khoảng cách từ xe người dùng đến xe khác, chẳng hạn như: khoảng cách ngắn, trung bình hoặc dài. Người điều khiển xe có thể thay đổi và cài đặt bất kỳ lúc nào khi điều kiện giao thông thay đổi.

5. Lưu ý khi sử dụng CCS và ACC

Lưu ý sử dụng Cruise Control và Adaptive Cruise Control 
 

 

  • Hệ thống Adaptive Cruise Control hay Cruise Control chỉ có thể được kích hoạt ở tốc độ tối thiểu từ 45 – 50km/h trở lên và tùy theo cài đặt của nhà sản xuất.
  • Với những dòng xe có sử dụng hệ thống Cruise Control, dù người điều khiển xe không cần nhấn bàn đạp ga, nhưng cũng cần phải giữ chân ở vị trí điều khiển bàn đạp ga và phanh xe. Đồng thời người lái xe phải liên tục theo dõi diễn biến phía trước để có thể xử lý kịp thời những tình huống bất ngờ xảy ra.
  • Hệ thống Cruise Control hiệu quả khi người lái sử dụng trong những  trường hợp lái xe với tốc độ ổn định, trên cao tốc hay ở những xa lộ có giới hạn tốc độ. Nếu chạy xe trong điều kiện thời tiết xấu, đường trơn trượt, người dùng cần phải hạn chế sử dụng hệ thống Cruise Control. Bởi trong trường hợp cần phanh gấp,  xe sẽ dễ bị trượt, dẫn đến tình trạng mất lái rất nguy hiểm.
  • Hệ thống Adaptive Cruise Control có thể theo dõi và tự động điều chỉnh tăng/giảm tốc độ theo xe phía trước nhưng người lái không nên chủ quan, tốt nhất vẫn nên chú ý quan sát phía trước để có thể ứng biến và xử lý kịp thời những tình huống xảy ra bất ngờ.

Hệ thống Cruise Control và Adaptive Cruise Control đều giúp xe vận hành an toàn và duy trì ở tốc độ ổn định, hạn chế được tình trạng vượt quá tốc độ khi tham gia giao thông. Cũng nhờ có hai hệ thống này, người điều khiển xe có thể rảnh tay, tận hưởng một hành trình di chuyển đơn giản và dễ dàng hơn.

Việc phân biệt Cruise Control và Adaptive Cruise Control giúp người lái hiểu rõ hơn sự khác biệt về chức năng, nguyên lý hoạt động và cách thức sử dụng, từ đó có thể sử dụng các tính năng của hai hệ thống này một cách hiệu quả và tối ưu hơn.