Xe tự lái còn gọi là xe tự hành (self-driving car) có khả năng cảm nhận môi trường xung quanh và di chuyển an toàn với ít hoặc không có sự can thiệp của con người.
Xe tự lái kết hợp các công nghệ có khả năng cảm biến môi trường xung quanh như radar, lidar, sonar, định vị GPS, trí tuệ nhân tạo,... Hệ thống điều khiển nâng cao sẽ phân tích thông tin thu được để xác định đường đi phù hợp, cũng như chướng ngại vật và biển báo liên quan.
Xe ô tô tự lái hoạt động dựa vào cảm biến, bộ điều khiển, thuật toán, hệ thống máy học và bộ xử lý mạnh mẽ.
Ô tô tự lái tạo và duy trì bản đồ môi trường xung quanh dựa trên nhiều loại cảm biến nằm ở các bộ phận khác nhau của xe.
>>> Tìm hiểu thêm: Cảm biến LiDAR và ứng dụng trong ngành ô tô điện
Sau đó, phần mềm sẽ xử lý tất cả thông tin đầu vào trên, vạch ra một con đường và gửi hướng dẫn đến bộ điều khiển của ô tô để điều khiển tốc độ, phanh và lái. Các quy tắc được mã hóa cố định, thuật toán tránh chướng ngại vật, mô hình dự đoán và nhận dạng đối tượng giúp ô tô tự lái tuân theo các quy tắc giao thông và tránh các chướng ngại vật trong khi lưu thông trên đường.
Tính đến thời điểm hiện tại, thuật ngữ “xe tự lái” đang dần trở nên quen thuộc hơn trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Xe tự hành là một lĩnh vực hoàn toàn mới và để áp dụng vào thực tế, chúng ta sẽ cần phải đặt ra những quy chuẩn chung. Hiệp hội Kỹ sư Ô tô (SAE) – tổ chức phát triển các quy định và tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu - đã xây dựng một hệ thống phân loại gồm 6 cấp độ tự lái khác nhau để xác định mức độ tự chủ của phương tiện và người lái khi vận hành.
Theo đó, 6 thang đo các cấp độ xe tự lái sẽ bắt đầu từ Cấp độ 0 – tức là không hề có sự trợ giúp nào từ phương tiện – cho đến Cấp độ 5 – khi phương tiện tự chủ hoàn toàn mà không cần đến bất cứ thao tác điều khiển nào đến từ người ngồi sau vô-lăng.