Để có thể đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất cơ khí, trước tiên chúng ta cần hiểu rõ khái niệm về an toàn, cũng như cách thức để đảm bảo an toàn gồm những gì?
1. Định nghĩa an toàn lao động là gì?
An toàn lao động là những biện pháp, hành động cụ thể giúp đảm bảo an toàn trong quá trình gia công, sản xuất của người lao động.
An toàn lao động trong lĩnh vực cơ khí là biện pháp, hành động cụ thể để đảm bảo an toàn cho người lao động đang hoạt động trong nhà máy, xưởng gia công cơ khí sản xuất, hoặc quá trình thi công, lắp ráp ngoài công trường.
2. Sự cần thiết đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất cơ khí
Mục tiêu của việc đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất cơ khí là để hạn chế tối đa tai nạn có thể xảy ra và bệnh nghề nghiệp trong quá trình sản xuất cơ khí, thi công và lắp ráp của người lao động; tránh gây mất mát, thiệt hại về người và của cho công ty sản xuất gia công cơ khí.
Vậy, để đảm bảo được sự an toàn của người lao động trước tiên cần tìm hiểu những nguyên nhân có thể xảy ra tai nạn trong quá trình sản xuất cơ khí. Từ đó, đưa ra những biện pháp khắc phục kịp thời.
Qua khảo sát thực tế lấy ý kiến của nhiều doanh nghiệp, các nguyên nhân gây ra tai nạn trong quá trình sản xuất cơ khí đa dạng, nhưng tổng kết lại có những nguyên nhân chính chủ yếu sau:
- Thiết bị bảo hộ thiếu, hoặc không đảm bảo an toàn cho người lao động.
- Do máy móc bị hỏng dẫn đến hở điện hoặc sai sót khi hoạt động cũng có thể gây tai nạn cho người lao động.
- Do người lao động không thực hiện theo nội quy an toàn của xưởng sản xuất; vi phạm các tiêu chuẩn, quy trình sử dụng máy an toàn.
- Điều kiện khách quan bên ngoài kém như thiếu ánh sáng, thiếu quạt thông gió, hay quạt thông gió có độ ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
- Nhà xưởng quá bừa bộn, máy móc không có sự sắp xếp gọn gàng, khoa học; nguyên liệu và thành phẩm, giao thông điều phối trong xưởng không thuận tiện.
Khi tìm ra những nguyên nhân tồn tại gây ảnh hưởng công việc của xưởng, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm cách khắc phục và đề ra biện pháp nhằm đảm bảo an toàn lao động trong quá trình xưởng cơ khí hoạt động.
3. Quy chuẩn đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất cơ khí
– Biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động:
- Trước tiên cho người lao động tham gia khóa huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động đúng theo quy định nghị định 44/2016/NĐ-CP
- Khi tham gia sản xuất, thi công người lao động trang bị thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc tại xưởng cơ khí hoặc ngoài công trường như kính bảo hộ bảo vệ mắt, mặc quần áo đồng phục bảo hộ lao động của phân xưởng (Không mặc quần áo bảo hộ quá rộng khi làm việc), giày bảo hộ lao động, mang bịt tai bảo vệ thính giác khi ở xưởng vận hành máy quá ồn.
- Không mang tất cả các trang sức, phụ kiện không cần thiết khi làm việc tại xưởng như vòng cổ, đồng hồ, nhẫn…
- Không mang găng tay khi đang vận hành máy.
- Với lao động Nữ để tóc dài khi vào xưởng nên cột gọn gàng, hoặc bảo vệ bằng mũ lao động hay lưới bảo hộ thích hợp.
- Không tự ý ngắt hoặc bật nguồn điện của xưởng vì có thể dẫn đến sự cố chập cháy nguồn điện.
- Với máy móc, thiết bị mới phải tổ chức các buổi hướng dẫn, đào tạo vận hành cho toàn bộ nhân công.
– Đối với phân xưởng, máy móc:
- Thường xuyên vệ sinh phân xưởng, sắp xếp gọn gàng có nhà kho chứa nguyên vật liệu.
- Kiểm tra máy móc trước mỗi quá trình sản xuất mới.
- Vệ sinh sạch sẽ máy móc, các vật dụng cần thiết sau mỗi lần sử dụng hoặc tạo lịch định kỳ bảo dưỡng. Tuyệt đối không để máy móc, thiết bị lao động quá bẩn.
- Vệ sinh những phần phoi vụn trong máy bằng chổi chuyên dụng.
- Đảm bảo hệ thống điện an toàn.
- Trong phân xưởng không để các vật dễ cháy, kiểm tra thường xuyên nguồn điện, để tránh xa những chỗ dễ cháy và nước.
- Trang bị những dụng cụ bảo vệ, che chắn máy móc để bền hơn và dễ dàng trong quá trình vệ sinh.
- Trang bị các biện pháp, thiết bị phòng cháy chữa cháy.
- Sử dụng hệ thống biển báo chỗ nguy hiểm, các vùng nguy hiểm.